Trong 2 ngày 25 và 26/11/2021, Techmart 2021 với chủ đề Công nghệ sinh học sẽ được tổ chức trên nền tảng trực tuyến tại đỉa chỉ www.techmart.techport.vn. Sự kiện thu hút hơn 170 công nghệ của 60 doanh nghiệp, viện trường tham gia quảng bá và xúc tiến...

THÔNG CÁO BÁO CHÍ
TRIỂN LÃM CHỢ CÔNG NGHỆ VÀ THIẾT BỊ (TECHMART) 
CÔNG NGHỆ SINH HỌC


Trong 2 ngày 25 và 26/11/2021, Techmart 2021 với chủ đề Công nghệ sinh học sẽ được tổ chức trên nền tảng trực tuyến tại đỉa chỉ www.techmart.techport.vn. Sự kiện thu hút hơn 170 công nghệ của 60 doanh nghiệp, viện trường tham gia quảng bá và xúc tiến thương mại.


Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart) là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nhiều năm, Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.

Kể từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nhiều ngành nghề, đặc biệt là hoạt động tổ chức triển lãm, hội thảo. Mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số, trong năm 2021, CESTI tổ chức Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trên nền tảng trực tuyến. Đây là xu hướng tất yếu nhằm mang thiết bị - giải pháp công nghệ đến gần hơn với các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, người dùng có thể truy cập vào nền tảng triển lãm (bằng máy tính hoặc điện thoại di động) và trải nghiệm các tính năng tham quan, tương tác tại các khu vực tương ứng với 3 hoạt động chính của Techmart. Cụ thể, tại sảnh triển lãm/sảnh chờ (không gian động), người dùng có thể chọn tham quan từng khu vực như: khu triển lãm, khu hội thảo, khu tư vấn chuyên gia. Đồng thời, chỉ với vài thao tác click chọn đơn giản, khách hàng có thể liên hệ Ban tổ chức, trao đổi với doanh nghiệp tại các gian triển lãm, tải tài liệu sự kiện, xem bản đồ toàn triển lãm, xem video giới thiệu công nghệ...

Techmart Công nghệ sinh học 2021 gồm 3 hoạt động chính: Trưng bày, giới thiệu CN&TB; Hội thảo giới thiệu công nghệ và Tư vấn chuyên gia về công nghệ.


       I. Trưng bày, giới thiệu CN&TB


(Vui lòng đăng ký tham tham dự bằng cách quét mã QR Code ở cuối TCBC)
Lễ khai mạc Techmart Công nghệ sinh học sẽ được tổ chức vào lúc 8g30 ngày 25/11/2021. Sự kiện thu hút sự tham gia của 60 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM trưng bày, giới thiệu hơn 170 CN&TB trong và ngoài nước sẵn sàng cung cấp chuyển giao. 
Techmart tập trung giới thiệu các công nghệ đa dạng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác khau từ y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường… Một số công nghệ nổi bật được giới thiệu tại Techmart lần này:
–    Ứng dụng trong xử lý môi trường: Công nghệ và sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ EMIC; Công nghệ và sản xuất chế phẩm vi xử lý bể kỵ khí bể phốt EMICPHOT; Giải pháp đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi sinh vật  nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn; Giải pháp ứng dụng vi sinh BCP655 xử lý nitơ trong nước thải đô thị và công nghiệp; Giải pháp ứng dụng vi sinh xử lý môi trường ngành nhà hàng, khách sạn, resort,…
–    Ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp: Công nghệ nano ứng dụng sản xuất thuốc trừ sâu nguồn gốc từ Neem (xoan Ấn Độ); Công nghệ sản xuất chế phẩm bả diệt chuột sinh học trên cơ sở vi khuẩn gây bệnh chuyên tính Salmonella Enteriditis Isachenco; Công nghệ sản xuất chế phẩm Probiotic lên khả năng tiêu hóa thức ăn của cá chép Nhật; Công nghệ sản xuất men vi sinh chăn nuôi MICORGAMIC; Giải pháp ứng dụng chế phẩm vi khuẩn huỳnh quang (Pseudomonas Fluorescens) phòng trừ bệnh hại rễ cà phê, vải thiều, lạc;…
–    Ứng dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm: Công nghệ chiết xuất nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps Militaris); Công nghệ chiết xuất nấm Linh chi (Ganoderma Lucidum), cao sâm, đẳng sâm, ba kích; Giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh ứng dụng trong nhà nuôi yến sào; Quy trình sản xuất viên bảo vệ gan – MEGA DETOX; Thiết bị iCheck Strip Reader, phân tích độc tố nấm trong thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, chất kháng sinh,…; Thiết bị tầm soát vệ sinh bề mặt trong công nghệ sinh học chế biến thực phẩm;…
–    Ứng dụng trong lĩnh vực y - dược: Công nghệ phát triển que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ; Công nghệ tạo chủng vi sinh vật biểu hiện protein tái tổ hợp ở Bacillus Subtilis; Công nghệ tế bào gốc (nhung hươu) ứng dụng trong mỹ phẩm với môi trường nuôi cấy mới; Hệ thống đo và phân tích TOC (Total Organic Carbon) trong nước tinh khiết và siêu tinh khiết; Hệ thống Real-Time PCR QuantStudio 5; Quy trình sản xuất Acnegen Active hỗ trợ chăm sóc da mụn; Thiết bị EnSURE Touch, phân tích sự hiện diện của vi sinh vật, và phân tích các chỉ số nhiễm vi sinh vật; Ứng dụng nước khử khuẩn sinh học Kentori Sani Water (HOCL) không cồn, không hóa chất độc hại để phun xịt lên các mặt tiếp xúc phòng Covid-19,…


       II. Hội thảo trình diễn công nghệ


(Vui lòng đăng ký tham tham dự bằng cách quét mã QR Code ở cuối TCBC)
Bên cạnh đó, tại Techmart Công nghệ sinh học tổ chức giới thiệu 23 chuyên đề hội thảo trực tuyến, cụ thể như sau:

THỨ NĂM, NGÀY 25/11/2021
Sáng: 
1.    Công nghệ sản xuất thuốc từ tế bào gốc trung mô người "off-the-shelf" ở Việt Nam trong điều trị các bệnh tự miễn - TS. Phan Lữ Chính Nhân, Phó Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh;
2.    Công nghệ tế bào gốc thực vật (hoa hồng, gạo...) tiên tiến ứng dụng trong sản xuất mỹ phẩm - TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ, ThS. Lê Thanh Thảo, Giảng viên ngành Công nghệ thẩm mỹ, Trường Đại học Văn Lang;
3.    Công nghệ nano ứng dụng trong sản xuất mỹ phẩm và khả năng kháng khuẩn bảo vệ sức khỏe con người - Bà Phùng Thị Thảo Nguyên, Phó Trưởng phòng chuyên môn Công ty TNHH Mediworld;
4.    Thiết bị khử khuẩn Airtech: Giải pháp phòng dịch Covid-19 hiệu quả - Vũ Tiến Hoàn, Trưởng nhóm Kinh doanh Công ty Cổ phần Airtech Thế Long;
5.    Ứng dụng thiết bị phân tích chất lượng nước theo chỉ tiêu tổng lượng cacbon hữu cơ (TOC) phục vụ trong sản xuất dược phẩm - Nguyễn Hoàng Anh, Kỹ sư kinh doanh Công ty TNHH SWAN Analytical Việt Nam;
6.    Giải pháp cung cấp nước siêu tinh khiết, bảo quản và ủ ấm cho các thiết bị (Hệ thống lọc nước; Tủ nuôi cấy sinh học...) trong phòng thí nghiệm sinh học - Ông Lê Thanh Hiệp, Trưởng phòng Công ty TNHH Kỹ thuật Thương mại Cầu Vồng;


Chiều:
1.    Ứng dụng công nghệ tách chiết tự động DNA/RNA bằng hạt từ trong hỗ trợ chẩn đoán Covid19- ThS Nguyễn Thị Xuân Mỵ, Trưởng bộ phận Marketing Công ty TNHH giải pháp y sinh ABT;
2.    Công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp trong vi khuẩn Bacillus subtilis và tiềm năng ứng dụng trong sản xuất vaccine - PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng, Trung tâm Khoa học và Công nghệ sinh học - Trường ĐH Tự nhiên;
3.    Công nghệ chiết xuất tinh chất tỏi ứng dụng phòng ngừa các bệnh trên đường hô hấp do tác nhân virus - Ms. Ngô Trần Thuỳ Trang Chuyên viên R&D, Công ty TNHH Thương mại Xuất Nhập khẩu TPH;
4.    Công nghệ cố định các chiết xuất thảo dược ở hỗn hợp dầu có tính thấm qua da - ThS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh;
5.    Ứng dụng công nghệ enzyme tạo nguồn nguyên liệu mỹ phẩm từ một số phế phụ phẩm: vụn tổ yến, da cá tra, da ếch... - Th.s Lê Phước Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Bio Nông lâm;
6.    Quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ dùng trong nông nghiệp và môi trường - ThS. Lê Đình Duẩn, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Vi sinh và Môi trường;


THỨ SÁU, NGÀY 26/11/2021


Sáng: 
1.    Giải pháp sinh học toàn diện trong phát triển nông nghiệp sạch, không hoá học (Sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp; Công nghệ lên men sản xuất phân bón sinh học; Thuốc trừ sâu sinh học) - TS.Phạm Minh Nhựt, Trưởng ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Hutech;
2.    Quy trình kiểm soát sâu bệnh 3 tầng thay thế hóa chất bảo vệ thực vật tổng hợp (Giấm gỗ - Vi sinh BVTV- NanoNeem) - TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh), ThS. Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam);
3.    Công nghệ giải trình tự DNA thế hệ mới và tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp giúp phát hiện các tác nhân gây bệnh trong môi trường (đất, nước, không khí hoặc trong cơ thể động/thực vật) - PGS. TS. Hồ Huỳnh Thùy Dương, Cố vấn khoa học, Công ty TNHH Khoa học Ktest;
4.    Giải pháp xét nghiệm trong an toàn thực phẩm, các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, … truy xuất nguồn gốc cho nông sản xuất cảng - Ông Henry Bùi, Giám đốc Công ty TNHH MTV KHCN Hoàn Vũ;
5.    Ứng dụng công nghệ Nano vào bảo quản nông sản sau thu hoạch - Ông James Do, Giám đốc, Công ty Cổ phần dược Miphar;
6.    Tăng cường quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp bằng giải pháp đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi sinh vật - Tiến sĩ Phạm Đức Ngọc, Công ty Vi sinh ứng dụng Hà Nội.


Chiều: 
1.    Quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen ứng dụng trong nông nghiệp và sản xuất thức ăn thủy hải sản - TS. Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Sinh học Môi trường, trưởng Bô môn Độc Chất Môi trường Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Sinh Học và Môi Trường - ĐH Nông lâm TP.HCM;
2.    Công nghệ và hệ thống thiết bị xử lý nước cấp, nước nuôi và nước thải phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh  bền vững - PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM;
3.    Ứng dụng que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ - PGS. TS. Trần Văn Hiếu, Phó chủ nhiệm Khoa Phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học, Khoa Sinh học - CNSH, Trường ĐH. KHTN TPHCM;
4.    Thermo Scientific Sensititre - Giải pháp mới cho việc xác định MIC trong thử nghiệm kháng sinh đồ/định danh trên thủy sản và thú y - Trần Ngọc Thạch, Trưởng Phòng kĩ thuật Công ty TNHH Mỹ Ân;
5.    Giải pháp công nghệ hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả giúp chẩn đoán sớm các bệnh phổ biến trên tôm nuôi - Th.S. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng phòng RD Công ty TNHH Công nghệ sinh học Khoa Thương.


      III. Tư vấn chuyên gia về công nghệ


(Vui lòng đăng ký tham tham dự bằng cách quét mã QR Code ở cuối TCBC)
Đội ngũ 8 chuyên gia của Techmart sẽ tư vấn miễn phí về công nghệ và các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu, mua bán, chuyển giao các công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong đó:
–    PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc - Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hồ Chí Minh tư vấn y tế và thực phẩm như công nghệ sinh học phân tử, lựa chọn chủng chủ và cách thức tạo chủng vi sinh vật biểu hiện protein tái tổ hợp, sản xuất protein tái tổ hợp ở vi sinh vật, lựa chọn và phát triển phương pháp kiểm nghiệm vi sinh vật, ứng dụng của vi sinh vật trong nông nghiệp, thú y, thực phẩm và môi trường;
–    PGS. TS. Trần Hoàng Dung, Viện trưởng - Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (IRT), Trường Đại học Công nghiệp Hồ Chí Minh tư vấn về y tế và nông nghiệp như: công nghệ sinh học, vi sinh, vi tảo; ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; ứng dụng hợp chất thiên nhiên trong chăm sóc sức khỏe; chính sách phát triển khoa học công nghệ;
–    TS. Thái Văn Nam, Phó Viện trưởng - Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH; Cố vấn kỹ thuật Cty TM-DV-CN Môi trường Khải Thịnh tư vấn về độc chất môi trường như: hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001), đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA); đánh giá ảnh hưởng của thuốc trừ sâu sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đối với môi trường đất và nước; đánh giá ô nhiễm đất, nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân do sử dụng, phân bón hóa học; ứng dụng đánh giá tồn dư Glyphosate trong môi trường và thực phẩm; giải pháp điều chế dung dịch diệt muỗi thân thiện môi trường từ tinh dầu sả thu bằng phương pháp vi sóng; kỹ thuật xử lý nước, đất ô nhiễm: công nghệ thẩm thấu ngược (RO) xử lý nguồn nước giếng cho ngành sản xuất bùn;
–    TS. Trịnh Thị Hương, Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Hồ Chí Minh tư vấn về giải pháp nông nghiệp như: quy trình nuôi cấy mô tế bào thực vật ứng dụng trong vi nhân giống các loại cây trồng; quy trình công nghệ nuôi cấy sinh khối tế bào thực vật thu nhận hợp chất thứ cấp; quy trình bảo tồn In-vitro nguồn gen thực vật;  sinh lý học thực vật: nghiên cứu tác động của ánh sáng đèn led trong sinh trưởng thực vật; vai trò của các chất điều hoà sinh trưởng thực vật; thuỷ canh: nghiên cứu trồng một số loại rau ăn lá thông thường trên hệ thống thuỷ canh hồi lưu;
–    TS. Phạm Thị Phương Thùy, Giảng viên - Khoa Công nghệ Sinh học-Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Hồ Chí Minh tư vấn về môi trường và thực phẩm như: ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải tổng hợp vật liệu hấp phụ để loại bỏ các hợp chất ô nhiễm; ứng dụng công nghệ phân hủy sinh học của các chất ô nhiễm độc hại trong môi trường nước; ứng dụng công nghệ và đánh giá hiện trạng kháng kháng sinh trong nước mặt và trong quy trình xử lý nước thải tại các nhà máy,...); ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải rắn hữu cơ;mứng dụng công nghệ sinh học trong thực phẩm; ứng dụng công nghệ tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học ứng dụng trong thực phẩm chức năng và bảo quản).
–    ThS. NCS. Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Giảng viên, Khoa Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Thủ Dầu Một tư vấn về Công nghệ Thực phẩm - Công nghệ lên men như: quy trình và thiết bị trong công nghệ chiết xuất và cô đặc cao (nấm dược liệu và các loại thảo dược); quy trình và thiết bị sản xuất tinh dầu; quy trình công nghệ lên men vi sinh bằng hệ thống Bioreactor; quy trình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu...;
–    ThS. Huỳnh Ngọc Anh Tuấn, Giảng viên khoa Công nghệ môi trường - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh tư vấn về công nghệ môi trường như: quy trình ứng dụng công nghệ xử lý nước cấp, nước thải, khí thải, chất thải rắn...; quy trình sản xuất sạch hơn và ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp; xây dựng và quản lý dự án về bảo vệ môi trường, quy hoạch môi trường; quan trắc chất lượng môi trường, đánh giá tác động môi trường...
–    ThS. Trần Chí Thành, Giảng viên - Đại học Nguyễn Tất Thành tư vấn về y tế - sức khỏe như: dịch vụ/ quy trình thử nghiệm lâm sàng đối với các chế phẩm sinh học ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người; quy trình/ dịch vụ thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả sử dụng của các chế phẩm, các máy móc thiết bị... dùng trong y tế; thương mại liên quan y tế (thiết bị, sinh phẩm); quy trình sản xuất thực phẩm chức năng, sinh phẩm, thiết bị; giải pháp nghiên cứu khoa học.
Ban tổ chức hy vọng Techmart Công nghệ sinh học sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy quá trình tương tác, trao đổi mua bán, chuyển giao công nghệ và thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học. 


Chi tiết về TECHMART CÔNG NGHỆ SINH HỌC vui lòng liên hệ:


Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM 
Phòng Giao dịch công nghệ
79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM. 
Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635 
Fax: (028) 3829 1957. Email: [email protected]
Mobile: 079 652 3381 (gặp anh Khanh)
        
Vào triển lãm: www.techmart.techport.vn     
 

Doanh nghiệp tham gia triển lãm

- Dễ dàng tiếp cận khách tham quan mọi lúc, mọi nơi

- Tìm kiếm khách hàng, đối tác trong nước & quốc tế

- Tiết kiệm 90% chi phí so với triển lãm offline.

Triễn lãm đang diễn ra

Xem tất cả